Nội thất bao hàm “Không gian nội thất” và “Đồ dùng nội thất”. Có thể hiểu nó có hai phần có quan hệ hữu cơ với nhau: Thứ nhất là phần vỏ bao che (nhà ở đơn lẻ, căn hộ chung cư, biệt thự, văn phòng, nhà hát, …); và thứ hai là các đồ dùng mà con người sử dụng đưa vào bên trong cái vỏ bao che đó nhằm thoả mãn các nhu cầu của chủ nhân và những người thụ hưởng. Trong bài viết này, tác giả bàn đến xu hướng sử dụng đồ dùng nội thất (furniture) ở TP. HCM.
TP. HCM chắc chắn là nơi đa dạng nhất về thành phần dân cư. Ở đây có rất nhiều thành phần dân cư mà các nơi khác (chẳng hạn so với Hà Nội) không có, trong đó phải kể đến như người Hoa, Khme, người Thái, Ấn, người Nam Bộ gốc, và nhóm người nhập cư mới sau này với số lượng rất đông đảo như người Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Philippines… Nếu tính chi ly ra thì hầu như tất cả các tỉnh thành, các dân tộc (còn gọi là tộc người) của đất nước đều có mặt ở TP. HCM. Chính vì sự đa dạng về nhân học, văn hoá như thế cho nên dường như các lĩnh vực trong đời sống xã hội như nhà ở, trang phục, ẩm thực, văn nghệ đều rất đa dạng, trong đó chắc chắn là có nội thất.
Sự đa dạng trong đời sống nội thất có từ thời lập làng, xây phố thị. Có thể nói, không gian nội thất và đồ nội thất mang dấu ấn cá nhân, nhưng lựa chọn nó và sử dụng như thế nào phản ánh được mức sống, nguồn gốc xuất xứ, văn hoá, trình độ học vấn, và nghề nghiệp của người sử dụng, nhìn rộng ra thì nó cho thấy được trình độ phát triển khoa học công nghệ và kỹ thuật; trình độ thẩm mỹ, mặt bằng kinh tế và văn hoá của cả một TP, một quốc gia, dân tộc.
Bất cứ TP, vùng miền, quốc gia nào cũng có lịch sử phát triển của nội thất. Mặc dù so với Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc bộ thì Sài Gòn-TP. HCM là vùng đất mới, nhưng 300 năm phát triển cũng đủ để hình thành nên một lịch sử phát triển nội thất khá phong phú, mà một trong những dấu ấn quan trọng nhất là phong cách nội thất của Sài Gòn-TP. HCM chịu ảnh hưởng của kinh tế thị trường sớm hơn, mạnh hơn so với tất cả các vùng miền trong cả nước. Chính tính chất của kinh tế thị trường, tính đa dạng về văn hoá và tính quốc tế hoá của vùng đất này đã tạo nên một diện mạo khác của nội thất so với cả nước. Điều này cũng sẽ đi cùng với hành trình phát triển của TP này hướng tới tương lai.
Phong cách nội thất có thể được hiểu là cách thức tổ chức (xây dựng, thiết kế) nên cái vỏ bọc, khung bao của “không gian nội thất” và mua sắm, lựa chọn, sử dụng, bày trí nội thất của một nhóm người khá đông đảo. Trên thực tế, có thể ở mỗi nhóm xã hội có khá nhiều những “biến tấu” khác nhau, nhưng tựu trung ở họ có những cái rất chung, định hình nên một kiểu (style) rất dễ nhận biết. Cần phải nhấn mạnh rằng sự phân định này mang tính rất tương đối, bởi người Sài gòn luôn có xu hướng “không đụng hàng”, dù cho cái chung nào đó giữa họ nhưng họ vẫn có cái riêng, và khác biệt.
Phong cách qúy tộc, cổ điển
Nếu tính tỷ lệ dân cư trên 10 triệu dân thì nhóm này không cao, nhưng đếm đầu thì có thể hàng nghìn người. Họ là những gia đình rất giàu có, nhà rộng lớn (penhouse, căn hộ rộng hàng trăm m2, biệt thự, nhà nhiều tầng) với phòng khách rộng. Nội thất của những gia đình này được đích thân họ ra nước ngoài chọn mua hoặc đặt hàng cho các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm nguyên bộ (combo) cho các công ty chuyên nhập khẩu nội thất cao cấp như Tống Kim Hoa, Vạn Thành, Lê Gia Phát, Minh Phát, Tín Phát… Nếu là của Châu Âu thì thường họ chọn phong cách nội thất cầu kỳ Louis, Gothique, Byzantine, của Pháp, Ý…; hay rành mạch, mạnh mẽ, khúc triết như Đức; còn nếu của Trung Quốc thì theo phong cách cung đình, hay quan lại thượng lưu ở vùng Nam sông Dương Tử như Quảng Đông, Quảng Tây… Đây là phong cách nội thất khá rườm rà, nhiều màu sắc, lắm phụ kiện thêm vào. Các hàng hoá, thiết bị nội thất này hoàn toàn mới nhưng được làm theo nguyên mẫu các nội thất cổ điển có từ vài ba trăm năm trước. Phòng khách của họ được bày trí xắp đặt theo một phong cách thống nhất từ bàn ghế, giường tủ, đến các phụ kiện kèm theo như đồng hồ, rèm cửa, cây cảnh, tranh treo tường. Một phòng khách với nội thất như thế lên đến nhiều tỷ đồng, thậm chí được dát vàng, mạ bạc rất cầu kỳ. Họ thường mời các KTS, các nhà thiết kế nội thất, kể cả thầy phong thuỷ đến tư vấn về nội thất cho họ. Với họ, nội thất không phải chỉ để sử dụng mà còn để khẳng định đẳng cấp trong xã hội.
Phong cách truyền thống Bắc bộ
Chúng tôi tạm gọi như vậy, vì chủ nhân của loại nội thất này chủ yếu là người Bắc vào Nam sinh sống qua các thời kỳ. Họ có thể là cán bộ công chức, các doanh nhân, cán bộ quân đội, cán bộ hưu trí… Điều chung của họ là nội thất phần nào mang hương vị của nơi xuất xứ có quê hương và tuổi thơ của họ. Điều này được in dấu đậm nét ở những người cao tuổi. Người Bắc cao tuổi thường có quan niệm “ăn chắc, mặc bền”, cho nên phòng khách của họ có những bộ đồ gỗ rất đắt tiền, làm bằng các loại gỗ quý, có chạm khắc các loại rồng, phượng, hoa lá với kích thước to lớn, chiếm diện tích có khi đến nửa phòng khách. Những bộ đồ gỗ trọn gói 6 món, 8 món, 12 món, với bàn, ghế, sopha, phản, đôn, tủ bufet, tủ thờ, tủ ly, bàn thờ ông địa… Tất cả các mặt hàng này được làm từ gỗ nguyên tấm, thậm chí là nguyên khối, chuyển từ các làng mộc nổi tiếng ở miền Bắc như Bắc Ninh, Sơn Tây, Hà Nội vào Sài Gòn…Với họ, những đồ này không chỉ là để sử dụng mà đôi khi còn như là đồ gia bảo để lại cho con cháu. Ở TP. HCM, khi tìm mua hay đặt hàng các loại hàng nội thất bằng gỗ thật có giá trị cao, người dân Sài gòn thường tìm đến đường Cộng Hoà, nơi thoả mãn nhu cầu của tầng lớp thượng lưu trung lưu lớp trên có xu hướng hoài cổ.
Phong cách nội thất công nghiệp
Nội thất công nghiệp xuất hiện ở Việt Nam vào đầu năm 1990, khi đất nước tiến hành mở cửa và chuyển sang nền kinh tế thị trường. Đây là phong cách sử dụng nội thất chiếm số đông ở TP. HCM. Họ là nhóm cán bộ công chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ, người có thu nhập trung bình. Nội thất công nghiệp là các món hàng được làm đồng loạt theo khuôn mẫu có sẵn bằng gỗ nhân tạo từ các nhà máy chuyên sản xuất của các nhà máy. Người sử dụng loại này có thể mua toàn bộ đồ nội thất của cùng một hãng hay từng món rời rạc tuỳ theo nhu cầu. Những năm thập kỷ cuối 80 đầu 1990 là giai đoạn ở TP. HCM có hàng chục công ty tư nhân đồ nội thất được ra đời, trong đó phải kể đến sự ra đời của các công ty tư nhân nội địa lớn mà sau này trở thành tập đoàn nội thất đóng vai trò dẫn dắt thị trường như: Hoà Phát (1992), Công ty gỗ Hoàng Anh Gia Lai (1993), Savimex (1985), Tập đoàn Xuân Hoà (1985).
Điều thuận lợi là vào giai đoạn này các kỹ thuật chế tác mới và vật liệu mới được du nhập vào Việt Nam. Các máy móc hiện đại được nhập về như máy cưa gỗ khổ lớn, máy ép thuỷ lực, máy uốn nóng, máy chế tạo gỗ nhân tạo, máy sơn phun sương, máy sơn tĩnh điện, máy ép nhựa, máy tạo khuôn nhôm…Chính nhờ việc nhập khẩu máy móc thiết bị hiện đại mà ở khu vực Đông Nam Bộ có hơn 50 nhà máy có quy mô lớn chế biến gỗ nhân tạo và sản xuất đồ nội thất theo dây chuyền công nghiệp. Một số nhà máy có tên tuổi từ Malaysia, Thái Lan, Indonesia đã đầu tư vào các khu công nghiệp TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Các loại gỗ nhân tạo (còn gọi là gỗ công nghiệp) được nhập về và sản xuất trong nước như: MDC (Medium Density Chipboard), HDF (High Density Fiberboard), MFC (Melamine Faced Chipboard), Veneer, nhựa, ghép, ván dăm (OKAL), dán (Plywood)… Đặc điểm của loại gỗ này là rẻ tiền, chế tạo ra sản phẩm hàng loạt có chất lượng đồng đều của nhau, dễ tạo kiểu và dễ tháo lắp, vận chuyển đi xa. Các đồ nội thất công nghiệp tầm trung (về chất lượng và giá cả) tập trung đông nhất ở các cửa hàng trên các con đường Ngô Gia Tự (Q.10), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), Bạch Đằng (Bình Thạnh), Trường Chinh (Tân Bình), Quang Trung (Gò Vấp)…
Trong mấy năm gần đây, ghi nhận sự xuất hiện nhiều vật liệu mới tạo điều kiện cho các nhà thiết kế chế tác ra các đồ nội thất phi truyền thống như kính cường lực; gỗ chống trầy Acrylic, gỗ nhân tạo ép phủ lớp gỗ thật bên ngoài (như xoan đào), đá nhân tạo, bột đá tạo hình, composit cao cấp, Epoxy, các loại keo dính đặc biệt… Chính nhờ các loạt vật liệu mới này mà làm đồ nội thất đương đại phong phú hơn, mang tính thực dụng cao với các sản phẩm nội thất mới, lạ hơn, chẳng hạn như bàn, ghế, tủ được kết hợp kính với gỗ nhân tạo, kính với kim loại, đá giả với gỗ nhân tạo, gỗ thật với chất epoxy…
Các phong cách khác
Chúng tôi xếp những phong cách sử dụng đồ nội thất dưới đây vào chung một “giỏ”, có thể gọi là “phong cách mới”, “phong cách hiện đại” hay “phong cách trẻ” vì hầu hết những người theo phong cách này người trẻ, số lượng không đông nhưng cũng tạo nên các dòng chảy nhỏ đóng góp vào thị trường nội thất của TP. HCM.
Nội thất thông minh: Đây là đồ nội thất có ba đặc tính chủ yếu là: Cùng lúc tích hợp đa chức năng, nhiều trong một, tức là có thể vừa là bàn ăn, và bàn làm việc, có thể là sôpha, ghế ngồi và giường ngủ. Chúng bao gồm module tháo ráp linh hoạt để biến hoá thành nhiều dạng thức khác nhau, rất gọn nhẹ, xếp đặt lồng vào nhau không chiếm chỗ; chất liệu là gỗ nhân tạo rẻ tiền. Đây là loại nội thất phục vụ cho các không gian nhỏ hẹp, do vậy những người trẻ ở các chung cư có diện tích nhỏ rất ưa chuộng.
Nội thất công nghệ: Đây là nội thất được gọi là high-tech. Nhà thiết kế sử dụng thành quả của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và tự động hoá vào trong các sản phẩm. Loại nội thất này được giới trí thức trẻ, nhất là công nghệ thông tin ưa thích. Hiện nay nó được đưa vào trong các mẫu nhà thông minh, công sở thông minh. Tuy nhiên, do giá thành cao cho nên khá kén người sử dụng.
Nội thất sinh thái: Nội thất sinh thái những năm gần đây nổi lên như một xu hướng mạnh trên thế giới, ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Các loại hình nội thất này được tạo dựng từ các loại vật liệu khai thác trong tự nhiên rẻ tiền như cói, lác, thân bèo, bẹ chuối, các cây tre, trúc, mây, gỗ tròn có vòng đời sinh trưởng ngắn từ 3-5 năm, các loại cây tạp thuộc các nhóm ít giá trị như cao su, thông, tràm…
Nội thất tái chế: Nội thất được tạo ra từ các đồ đã dùng rồi (tái chế theo trường phái 3R: Reduce-Recycle-Reuse). Một số người tận dụng lại những thứ đã dùng và tái chế lại những thứ bỏ đi để làm ra một đồ nội thất mới với hình thức mẫu mã mới, có thể kể ra một vài thứ như: Bàn ghế làm từ thùng phuy đựng nhiên liệu; bàn làm ra từ bánh xe hơi; tủ, giường làm ra từ thùng gỗ đựng hàng hoá; ly uống nước từ các chai pet; đèn chùm từ các chai lọ thuỷ tinh,… Tuy nhiên, ở Việt Nam, trường phái này mới ở dạng thử nghiệm. Chúng ta có thể thấy các sản phẩm nội thất tái chế ở các quán cà phê, quán ăn ở Hà Nội và TP. HCM.
Nội thất tối giản (minimalism): Đây là xu hướng mới hình thành nhưng lại nhanh chóng có một chỗ đứng ở nhóm các bạn trẻ ở TP. HCM. Do diện tích ở quá nhỏ, thu nhập thấp. Ngoài ra, có một số người chuộng lối sống này như một triết lý sống. Trong căn hộ của họ hầu như không có gì, đôi khi là một không gian hoàn toàn rỗng. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không cần các loại dịch vụ tiện ích, mà họ sử dụng dịch vụ tiện ích ở xung quanh. Lối sống tối giản của người Nhật Bản được gọi là Danshari hay Minimalism đang được nhân rộng ra ở rất nhiều nước khác trên thế giới.
Nội thất là phần không tách rời trong đời sống của con người. Sự phát triển hay lụi tàn của nó phụ thuộc vào mức sống, trình độ dân trí, trình độ kỹ thuật-công nghệ và cả khả năng cung ứng từ thiên nhiên.
Nguồn Tạp chí kiến trúc.
Pingback: 11 xu hướng nội thất trên thế giới - SIÊU THỊ NỘI THẤT GH2
Pingback: Giải mã tính cách và tình yêu của 12 cung hoàng đạo - SIÊU THỊ NỘI THẤT GH2